Dẫn chứng về việc có bản án nhưng khó thi hành, Chánh án TAND tối cao nhắc đến 2 vụ liên quan đến bà Hứa Thị Phấn và ông Đinh La Thăng.
Tại phiên chất vấn sáng 20.3, đại biểu đặt câu hỏi với Chánh án TAND tối cao về tình trạng khó thi hành bản án.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao, cho biết có 2 nguyên nhân khiến án khó thi hành.
Thứ nhất là do tòa án tuyên không rõ nên khó thi hành. Việc này đã được ngành tòa án khắc phục rất nhiều trong những năm qua, đến nay tỷ lệ bản án tuyên không rõ là rất ít, 1 năm khoảng 200 vụ.
Về khắc phục, với những án tuyên không rõ, khi cơ quan thi hành án không thể thi hành bản án, tòa án có nghĩa vụ phải giải thích rõ bản án đã tuyên. Với một số bản án tuyên không rõ quá hoặc bị sai thì phải kháng nghị để xử lại.
"Đến nay, phần lớn các bản án tuyên không rõ đã được giải thích hoặc kháng nghị", Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.
Thứ hai là án tuyên rõ rồi, đúng rồi nhưng không thi hành được, "thì không có cách nào khác".
Lấy ví dụ về trường hợp này, ông Bình nhắc tới vụ án bà Hứa Thị Phấn liên quan đến Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Theo đó, bà Phấn bị tuyên phải bồi thường hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng hiện bà này đã chết, trong khi bản án chưa thi hành xong.
Hay như vụ án Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) bị thiệt hại 800 tỉ đồng, về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới bồi thường, trong đó ông Đinh La Thăng phải đền 600 tỉ đồng.
"Đây cũng là bản án khó thi hành, nhưng không thể không tuyên như vậy được, luật đã quy định rồi. Cách nào để làm cho bản án này thực thi trên thực tế, tôi cũng báo cáo Quốc hội là chúng tôi chưa tìm ra được giải pháp nào", ông Bình nói.
Trước đó, tháng 2 vừa qua, bà Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947), cựu Cố vấn cấp cao HĐQT TrustBank, đã qua đời. Bà Phấn là người phải thi hành bản án 30 năm tù và bồi thường hơn 18.000 tỉ đồng liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cùng các sai phạm xảy ra tại TrustBank.
Tại buổi họp báo hồi cuối tháng 12.2022, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết trong vụ bà Hứa Thị Phấn, cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỉ đồng. Số tiền còn lại phải thi hành đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản kê biên.
Còn với ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp hồi tháng 4.2021, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, trong vụ OceanBank, ông Thăng bị tuyên 18 năm tù, buộc phải bồi thường 600 tỉ đồng nhưng đến thời điểm đó mới thi hành án được khoảng 8 tỉ đồng.